Đóng

CASE STUDY

Quy tắc đầu tư vàng: Quỹ đầu cơ của James Simons_Câu trả lời từ một nhà toán học thành tỷ phú đô la

Trong khi câu chuyện Issac Newton thất bại trên thị trường chứng khoán được lấy ra để trả lời cho câu hỏi thông minh có phải ưu thế trên thị trường hay không, thì James Simons là ví dụ phản biện điển hình cho điều này khi tạo ra một quỹ đầu tư vượt mặt cả những ông trùm như Soros hay Buffett.



Có một mệnh đề trên thị trường chứng khoán là những người thành công nhất chưa chắc đã là người thông minh nhất, thậm chí những người có chỉ số IQ cao lại thường xuyên thua lỗ. Ví dụ điển hình nhất là trường hợp thiên tài vật lý, toán học Issac Newton đã gặp thất bại nặng nề trong đầu tư chứng khoán khi cố gắng gia tăng thu nhập từ lĩnh vực này. Tuy nhiên, liệu có phải tất cả những người thông minh đều sẽ gặp cảnh thua lỗ? Câu trả lời là không, nếu xét đến trường hợp của James Simons – nhà sáng lập quỹ đầu tư Renaissance Technologies’ Medallion

Sinh năm 1938 trong một gia đình Do Thái ở Brookline, Simons khởi nghiệp bằng con đường học thuật, khi ông tốt nghiệp MIT sau 3 năm và mất thêm 3 năm sau đó để nhận bằng tiến sĩ của trường Đại học Berkeley, California. Mặc dù đạt được những thành tựu lớn trong lĩnh vực toán học và giảng dạy, James Harris Simons quyết định bỏ lại sau lưng tất cả và theo đuổi sự nghiệp tài chính. Năm 1978, ông xây dựng quỹ đầu tư Monemetrics, tiền thân của công ty cực thành công sau này: Renaissance Technologies.

Ở thời điểm ban đầu, James không nghĩ tới việc sử dụng toán học vào công việc kinh doanh, tuy nhiên qua thời gian, ông nhận ra các mô hình, thuật toán quản lý có thể hỗ trợ đắc lực cho việc phân tích dữ liệu và sau đó gặt hái nhiều thành công. Người đàn ông được mệnh danh là “Vua định lượng” đã được tạp chí Time bình chọn là “Tỷ phú thông minh nhất thế giới” vào năm 2006.

Ai cũng đã từng nghe đến Renaissance nhưng gần như chẳng có ai biết bên trong quỹ đầu tư này hoạt động ra sao. Ngoài Simons, người đã nghỉ hưu năm 2009 để tập trung làm từ thiện, cho đến nay có rất ít thông tin về nhóm nhà khoa học có số tài sản lớn hơn GDP của nhiều nước và ngày càng có nhiều ảnh hưởng lên chính trường Mỹ.

Bloomberg trong một bài viết cách đây hơn 2 năm đã thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau gồm các nghiên cứu kỹ lưỡng, nhiều cuộc phỏng vấn với những người từng làm việc hoặc cạnh tranh đối đầu với Renaissance.

Theo số liệu của hãng tin này, quỹ đầu tư tuyệt mật và có nhiều màu sắc thần bí này đã tạo ra khoảng 55 tỷ USD lợi nhuận trong 28 năm qua, cao hơn khoảng 10 tỷ USD so với các quỹ được điều hành bởi những ông trùm quỹ đầu cơ như Ray Dalio và George Soros. Điều đáng nói là Medallion đã tạo ra số lợi nhuận này trong thời gian ngắn hơn, với số tài sản dưới quyền quản lý ít hơn và hầu như chưa bao giờ lỗ.

Nếu quỹ đầu tư Berkshire Hathaway của Warren Buffett nổi tiếng với khả năng tạo ra mức sinh lời ổn định khoảng 20%/năm thì đối với quỹ Renaissance Technologies’ Medallion, mức lợi nhuận ấy cũng chỉ xếp ở chiếu dưới. Đối với những người bên ngoài, điều bí ẩn nhất là làm cách nào Medallion có thể tạo được mức lợi suất trước thuế lên đến gần 80%/năm.



Ngay cả khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu lan rộng khắp thế giới năm 2007 – 2008, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng phá sản, nhiều quỹ đầu tư lỗ lên tới hơn 50% và phải đóng cửa thì quỹ Renaissance Technologies’ Medallion của James Simons lại đạt mức lợi nhuận khủng khiếp lần lượt là 85.9% và 98.2%.

Nhiều đối thủ cố gắng tìm hiểu bí mật thành công của quỹ Renaissance Technologies’ Medallion và sau một thời gian, nhiều chuyên gia kết luận rằng nền tảng công nghệ phân tích kỹ thuật của quỹ đóng vai trò chủ chốt. Đơn giản vì phần lớn các nhân viên của quỹ trước đây đều là những nhà khoa học về toán học, vật lý và rõ ràng kiến thức tài chính khá hạn chế nên không thể dựa vào phân tích cơ bản. Họ cho rằng Renaissance Technologies sở hữu những cỗ máy tính cực kỳ hiện đại và có thể tính toán các thuật toán phức tạp do Simons lập trình. Ngoài ra khả năng thu thập và sàng lọc dữ liệu tốt hơn cũng là một lợi thế trước khi đưa dữ liệu vào mô hình phân tích và đưa ra quyết định.

 

Trong một buổi phỏng vấn tại TED 2015, James Simons cũng hé lộ một số ý tưởng cơ bản về hoạt động của mình. Trong đó ông nói rằng quỹ sử dụng một số chỉ báo và mô hình để dự báo sớm xu hướng của thị trường. Ông cũng cho rằng các dấu hiệu trên thị trường tài chính sẽ chỉ hiện lên trong một thời gian nhất định và lại chìm xuống, nhưng chúng không mất đi và sẽ ở lại đó cho lần xuất hiện tiếp theo. Vì vậy, các mô hình phân tích cần linh hoạt và thường xuyên cập nhật để đặt trọng tâm vào các dấu hiệu nổi bật nhất.

Nhiều nhà đầu tư hỏi rằng liệu quỹ Renaissance Technologies’ Medallion liệu có thể duy trì lợi nhuận cao chót vót trong tương lai không, câu trả lời mà họ nhận được nhà sáng lập quỹ đầu tư này là “chúng tôi chạy nhanh hơn bất kỳ ai”.

Trong năm 2016, các khách hàng đã rót 21 tỷ USD vào các quỹ đầu cơ phân tích định lượng (quant hedge fund) trong khi rút 60 tỷ USD và các loại quỹ khác. Số tài sản mà quỹ Two Sigma quản lý trong suốt khủng hoảng tài chính chỉ là 5 tỷ USD nhưng nay đã tăng lên 37 tỷ USD. Kể cả những quỹ truyền thống như Paul Tudor Jones và Steve Cohen cũng đang tuyển dụng thêm các chuyên gia khoa học máy tính vào đội ngũ của mình nhằm gia tăng lợi nhuận.

Quỹ đầu cơ của James Simons thu 5% phí cố định và 44% lợi nhuận – cao nhất thế giới (thông thường các quỹ thường sẽ lấy 2% phí cố định và 20% lợi nhuận). Mặc dù kêu ca về mức phí đắt đỏ nhưng rất nhiều nhà đầu tư vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra vì tỷ suất sinh lời quá tốt của quỹ.